Năm 2020 trai qua 6 tháng đầu năm với đầy sự kiện biến động đáng chú ý tới. Những thách thức về đại dich, thiên tai đã ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến nền kinh tế thế giới, đi kèm đó là những biến động mang tính chính trị cũng đáng được quan tâm.
Sự xuất hiện của đại dịch Covid-19
Đại dịch COVID-19 là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu.
Dịch Covid-19 diễn ra từ tháng 01/2020 tại Trung Quốc, đến nay đã lan ra 213 nước, với quy mô và tốc độ chưa từng có. Ngày 10/01/2020 có người chết đầu tiên vì Covid-19 tại Vũ Hán, ngày 2/4/2020 có 204 nước bị mắc Covid-19, 1 triệu người bị nhiễm và 53,1 nghìn người chết.
3 tháng sau, ngày 3/7/2020 tức là sau 6 tháng có dịch, số người bị mắc Covid-19 là 11 triệu người và số người chết là 532,8 nghìn người. Dự báo ngày 11/8/2020 sẽ có hơn 20 triệu người mắc Covid-19 trên thế giới (Hình 1). Virus Corona chủng mới (gọi là SARS-CoV-2) đã phải cần đến 92 ngày để lây lan đến 1 triệu người mắc đầu tiên trên toàn thế giới, song chỉ cần 13 ngày là lây thêm 1 triệu người và bây giờ chỉ cần 4 ngày là có thêm 1 triệu người mắc Covid-19 trên thế giới.
Các ca nghi nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán được báo cáo vào ngày 31 tháng 12 năm 2019. Trường hợp tử vong do SARS-CoV-2 đầu tiên xảy ra ở Vũ Hán vào ngày 9 tháng 1 năm 2020.
Sự lây nhiễm virus từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỷ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 1 năm 2020. Ngày 23 tháng 1 năm 2020, chính phủ Trung Quốc quyết định phong tỏa Vũ Hán, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng và hoạt động xuất – nhập khẩu đều bị tạm ngưng.
Ngày 11 tháng 3 năm 2020, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ra tuyên bố gọi “COVID-19” là “Đại dịch toàn cầu”. Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã tiến hành phản ứng đáp trả nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu, bao gồm: hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, hạn chế ra ngoài, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến.

Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như: phong tỏa để kiểm dịch toàn bộ tại Ý và tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc; các biện pháp giới nghiêm khác nhau ở Trung Quốc và Hàn Quốc; phương pháp sàng lọc tại các sân bay và nhà ga; hạn chế hoặc hủy bỏ các hoạt động du lịch tới những khu vực, vùng, quốc gia có nguy cơ nhiễm dịch cao.
Ngoài ra, các trường học cũng đã phải đóng cửa trên toàn quốc hoặc ở một số vùng tại hơn 160 quốc gia, ảnh hưởng đến 87% học sinh, sinh viên trên toàn thế giới, tính đến ngày 28 tháng 3 năm 2020. Tính tới thời điểm hiện tại, diễn biến của dịch bệnh vẫn diễn ra hoàn toàn phức tạp.
Cháy rừng ở Úc
Vào ngày đầu năm mới 2020, hàng ngàn người Úc không kịp sơ tán đã phải chạy đến bờ biển do lửa bủa vây thị trấn.
Chỉ riêng ở New South Wales, những giờ đầu của năm mới vẫn còn tới 112 đám cháy đang diễn ra; trong khi ở Victoria có 45 đám cháy.
Một số thị trấn ở phía Đông nước Úc đã phải hủy lễ mừng năm mới khi các tàu hải quân và trực thăng quân đội được huy động tới để đưa dân đi sơ tán.
Có 11 người đã thiệt mạng, 4 triệu héc ta rừng đã bị tàn phá và it nhất hơn 200 ngôi nhà ở New South Wales bị thiêu rụi khi các đám cháy rừng lan nhanh dọc bờ biển Úc.

Mỹ chốt kế hoạch bầu cử tổng thống
Nhà Trắng và chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump hôm 02/08 khẳng định, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3.11.2020 theo đúng kế hoạch.
Hôm 30.7, Tổng thống Donald Trump đề xuất hoãn bầu cử Mỹ nhưng ngay lập tức bị cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa phản đối, bởi chỉ Quốc hội mới có quyền thay đổi việc này.
Thống đốc bang Arkansas, ông Asa Hutchinson thuộc đảng Cộng hòa, nói với CNN rằng cuộc bầu cử nên được tổ chức đúng giờ và tùy thuộc vào các bang để đảm bảo việc bỏ phiếu được thực hiện đúng.
Dịch bệnh COVID-19 ở Mỹ dự kiến sẽ thúc đẩy việc bỏ phiếu qua thư vào tháng 11. Các quan chức bầu cử đang làm việc để đảm bảo hàng chục triệu phiếu bầu có thể đến tay cử tri kịp thời và được gửi lại kịp thời để kiểm phiếu.
Tuy nhiên, ông Miller chỉ trích nỗ lực của các bang, trong đó có bang Nevada, vì tiến tới mở rộng bỏ phiếu qua thư trong các trường hợp khẩn cấp như dịch COVID-19.

Vụ nổ ở Beirut (Lebanon) 04/08/2020
Khu cảng chìm ngập trong lửa, tàu bốc cháy trên biển và tòa nhà đổ nát là một trong những cảnh tượng tưởng như ngày tận thế sau hai vụ nổ lớn ở thủ đô Beirut (Lebanon) vào ngày 04/08/2020.
Theo báo South China Morning Post (SCMP), Hội Chữ thập đỏ Lebanon thông báo số người chết trong vụ nổ đã lên tới 100 và hơn 4.000 người bị thương. Số người chết trong vụ nổ dự kiến có thể còn cao hơn.

Ứng dụng Tik Tok bị cấm ở một số quốc gia
Ngày 01/08/2020 Tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố sẽ cấm app Tik Tok hoạt động tại Hoa Kỳ. Ông nói có thể ra sắc lệnh ngay cuối tuần này.
Tổng thống Donald Trump và các quan chức cao cấp của Hoa Kỳ đang cân nhắc việc cấm TikTok, nhưng các ứng dụng, dịch vụ khác chạy trên phần mềm của Trung Quốc cũng có thể sẽ bị nhắm tới.
Mỹ bày tỏ lo ngại app của công ty Trung Quốc ByteDance có thể thu thập dữ liệu của người Mỹ. Tik Tok bác bỏ cáo buộc chính phủ Trung Quốc kiểm soát công ty. Hiện có khoảng 80 triệu người dùng Tik Tok ở Mỹ. App chia sẻ video ngắn TikTok đã là hiện tượng toàn cầu thời gian qua, rất được giới trẻ dưới 20 tuổi ưa chuộng.
Ấn Độ đã cấm TikTok và nhiều app Trung Quốc. Úc cũng nói đang cân nhắc cấm TikTok, sau khi đã cấm Huawei và ZTE. Chính giới Mỹ đã bày tỏ lo ngại rằng ByteDance, thông qua TikTok, có thể thu thập dữ liệu cho chính phủ Trung Quốc.
Tại Trung Quốc, ByteDance có app tương tự gọi là Douyin. Công ty nói dữ liệu người dùng Mỹ được đặt ở Mỹ và server dự phòng đặt ở Singapore.

Bầu cử tổng thống Ba Lan: Andrzej Duda tái đắc cử với 51,2% phiếu
Đương kim tổng thống Ba Lan Andrzej Duda theo quan điểm bảo thủ đã thắng điểm không nhiều trước đối thủ thuộc phái cởi mở hơn, Rafal Trzaskowski.
Ủy ban Bầu cử Quốc gia Ba Lan nói ông Duda, 48 tuổi, được 51,2% phiếu, với số cử tri đi bầu đạt con số khá cao: 68,2%, ở quốc gia 38 triệu dân.
Đối thủ của ông, Rafal Trzaskowski, cũng 48 tuổi, thuộc đảng Cương lĩnh Công dân (PO), đại diện cho xu hướng tự do hơn ở đô thị Ba Lan. Cả hai ứng viên trong cuộc bầu cử tổng thống vòng hai ở Ba Lan đều bằng tuổi nhau, sinh trưởng ở hai thành phố lớn của Ba Lan và thuộc thế hệ trưởng thành sau chuyển đổi thể chế từ xã hội chủ nghĩa sang dân chủ năm 1989-90.
Tổng thống Duda sinh năm 1972 ở Krakow, cố đô Ba Lan, và xuất thân là luật sư. Ông thắng cử làm tổng thống năm 2015 nhờ là gương mặt trẻ, ôn hòa hơn của đảng bảo thủ Pháp luật và Công lý (PiS) vốn bị mất phiếu trong các kỳ bỏ phiếu trước, theo phóng viên BBC News Adam Easton từ Warsaw.
Chính sách của PiS mà ông Duda ủng hộ là cấp thẳng tiền mặt, 500 zloty (125 USD một tháng) cho mỗi trẻ em trong gia đình cho tới năm 18 tuổi.
Tuy vậy, ông Duda khi lên cầm quyền bị cho là chịu ảnh hưởng mạnh của lãnh tụ đảng PiS, Jaroslaw Kaczynski, người thuộc thế hệ đấu tranh của Công đoàn Đoàn kết nhưng giữ quan điểm dân tộc chủ nghĩa Thiên Chúa giáo khá nặng nề.

Nhiều quyết định của chính quyền Ba Lan do đảng PiS nắm, và chính sách của họ tìm cách kiểm soát truyền thông, tòa án, gây ra bất đồng nghiêm trọng với EU. Xung khắc này có thể gia tăng sau khi ông Duda tái đắc cử, theo phóng viên Adam Easton.
Ông Trzaskowski, sinh cùng năm với tổng thống Duda, nhưng ở Warsaw, nơi ông lớn lên, tham gia chính trị và hiện làm thị trưởng thủ đô Ba Lan.
Trước đó, ông làm bộ trưởng trong chính phủ Ba Lan nhiệm kỳ 2007-2015 và đại diện cho xu hướng thân thiện hơn với EU.
Đảng của ông, và bản thân ông Trzaskowski thường giành được nhiều phiếu hơn tại các đô thị lớn trong khi PiS và ông Duda mà nay chính thức là người phi đảng phái, thu hút nhiều lá phiếu vùng nông thôn và thành phố nhỏ.
Taliban tấn công lực lượng an ninh Afghanistan sau khi Mỹ và Taliban ký thỏa thuận hòa bình
Phiến quân Taliban đã thực hiện nhiều vụ tấn công nhằm vào các doanh trại quân đội của Chính phủ Afghanistan trong ngày 2-3/3/2020, sau khi Mỹ và Taliban ký kết thỏa thuận hòa bình tại Doha (Qatar) hôm 29/2, theo đó các vòng đàm phán nội bộ Afghanistan dự kiến sẽ bắt đầu từ ngày 10/3.

Ai Cập mở cửa trở lại kim tự tháp cổ nhất thế giới sau 14 năm trùng tu
Ai Cập ngày 5/3/2020 đã mở cửa trở lại Kim tự tháp bậc thang Djoser, công trình kiến trúc bằng đá đầu tiên trong lịch sử và là Kim tự tháp cổ xưa nhất trên thế giới, sau 14 năm trùng tu với kinh phí 104 triệu bảng Ai Cập (khoảng,6 triệu USD).
Kim tự tháp bậc thang Djoser nằm ở khu vực khảo cổ Saqqara, phía Nam thủ đô Cairo, được xây dựng 4.700 năm trước dưới thời Pharaoh Djoser, một trong những vị vua thuộc vương triều thứ 3 của Ai Cập cổ đại.

Giá vàng thế giới xác lập kỷ lục mới
Chốt ngày giao dịch 6/8, giá vàng thế giới tiếp tục xác lập kỷ lục mới trong bối cảnh ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 gia tăng mạnh tiếp tục ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ và toàn cầu. Tính đến sáng 7/8 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,8% lên 2.055,87 USD/ounce, sau khi có thời điểm vọt lên mức cao kỷ lục 2.069,21 USD/ounce. Chốt phiên này, giá vàng giao dịch kỳ hạn tại Mỹ tăng 1% lên 2.069,40 USD/ounce.
