Tiền thai sản được tính như thế nào, bao giờ được nhận… là băn khoăn của rất nhiều sản phụ. Tất cả thông tin về tiền thai sản cũng như cách tính tiền thai sản sẽ được trình bày chi tiết trong bài viết dưới đây.
Tiền thai sản Bảo hiểm xã hội là gì?
Tiền thai sản Bảo hiểm xã hội(BHXH) là gì: Khi lao động tham gia BHXH bắt buộc ở cơ sở làm việc, sẽ được hưởng chế độ về thất nghiệp, nghỉ ốm, khám bệnh, khi khám thai, và sinh nở. Số tiền mà người lao động nhận được khi nghỉ làm trong thời gian khám thai, sinh nở do BHXH chi trả và được gọi là tiền thai sản BHXH.
Người lao động nhớ phân biệt tiền thai sản BHXH với các gói bảo hiểm thai sản mà người lao động tự nguyện ký kết với các công ty bảo hiểm tư nhân như Manulife, OPTIMA hay PVI. Khác biệt là bạn đi làm và công ty đóng BHXH hàng tháng là bạn đã có tiền thai sản rồi mà không cần phải mua thêm bảo hiểm nữa.

Đối tượng được hưởng tiền thai sản BHXH
Đối tượng được hưởng tiền thai sản bảo hiểm xã hội là vợ và chồng hoặc 1 trong 2 người có tham gia đóng BHXH bắt buộc. Nếu cả hai vợ chồng đều tham gia BHXH bắt buộc thì cả hai đều có quyền lợi chế độ thai sản. Nhưng nếu chỉ có một trong hai người tham gia thì chỉ có người đó được hưởng quyền lợi.
Các trường hợp được hưởng tiền thai sản bảo hiểm xã hội:
- Khi mẹ bầu đi khám thai.
- Khi mẹ sinh con.
- Khi vợ không may bị sảy thai, thai lưu, phá thai bệnh lý.
- Khi vợ hoặc chồng thực hiện triệt sản
- Khi vợ chồng nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi.
Cách tính tiền thai sản mới nhất 2021
Tiền thai sản cho vợ
Trong trường hợp mẹ bầu có thai: Trong suốt thai kỳ, mẹ bầu được nghỉ 5 lần (mỗi lần 1 ngày) đi khám thai hưởng chế độ thai sản BHXH (Nếu cách quá xa cơ sở y tế khám thai, mẹ bầu có thể được nghỉ 2 ngày/ 1 lần đi khám). 5 ngày nghỉ này không được công ty trả lương vì bạn không đi làm, mà thay vào đó BHXH sẽ chi trả lương bình quân cho bạn.
Mức lương bình quân là mức lương đóng BHXH 6 tháng gần nhất chia trung bình (Nếu bạn chưa đóng đủ BHXH 6 tháng trước khi đi khám thì mức lương bình quân là của các tháng đã đóng được tính trung bình). Một ngày lương đi khám thai bằng mức lương bình quân tháng chia cho 24.
Ví dụ: Một chị mới đóng BHXH được 3 tháng mới mức lương đóng BHXH là 5 triệu cho tháng đầu tiên, hai tháng sau được công ty đóng cho mức lương lần lượt là 5,5 triệu và 6 triệu. Vậy mức lương bình quân của 3 tháng mà chị đã đóng BHXH là 5,5 triệu. Còn mức lương của một ngày đi khám thai được tính là lấy 5,5 triệu chia cho 24 ngày sẽ ra kết quả khoảng 229.166đ/ 1 ngày.

Khi mẹ sinh nở, điều kiện bắt buộc để được hưởng tiền thai sản là phải đóng tối thiểu BHXH đủ 6 tháng trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.
Thời gian hưởng chế độ thai sản cho mẹ là 6 tháng trước và sau khi sinh con, nhưng không nghỉ quá 2 tháng trước khi sinh.
Trong 6 tháng nghỉ sinh con này, BHXH sẽ chi trả tiền thai sản 1 tháng bằng mức lương bình quân đóng BHXH 6 tháng trước khi sinh con. Từ mức lương bình quân một tháng nhân với 6 tháng, mẹ bầu sẽ có 6 tháng lương nghỉ sinh tại nhà.
Ví dụ: Mẹ bầu đóng 6 tháng bảo hiểm trước khi sinh con với mức lương 6 triệu thì khi nghỉ sinh 6 tháng sẽ được hưởng số tiền thai sản là 6 triệu x 6 tháng = 36 triệu.
Nếu mẹ sinh đôi , sinh ba …thì số tháng nghỉ sẽ được tính tăng thêm một tháng cho mỗi con.
Ngoài ra khi sinh con, mẹ còn được hưởng tiền trợ cấp thai sản một lần được tính bằng mức lương cơ sở nhân 2. Hiện mức lương cơ sở là 1.490.000đ, vậy mức trợ cấp một lần mà mẹ được nhận là 2.980.000đ.
Trường hợp lao động nữ không may bị sảy thai, thai chết lưu, phải bắt buộc phá thai do có bệnh lý hoặc nguy hiểm tính mạng mẹ bầu thì sẽ được hưởng mức trợ cấp thai sản như sau: Từ 5 tuần tuổi đến 25 tuổi trở lên được nghỉ từ 10 ngày đến tối đa 50 ngày. Tiền thai sản trong một ngày của trường hợp này được tính bằng tháng lương bình quân đóng bảo hiểm của 6 tháng trước chia cho 30. Tức là 6 tháng trước khi xảy ra các vấn đề trên, lao động nữ đóng BHXH ở mức 6 triệu thì một ngày lương sẽ được BHXH chi trả: 6 triệu chia 30 ngày = 200.000đ/ 1 ngày.
Trường hợp lao động nữ đặt vòng tránh thai thì được nghỉ 7 ngày, triệt sản thì được nghỉ 15 ngày. Tiền lương của những ngày nghỉ này cũng do BHXH chi trả với số tiền tương tự như trường hợp bị sảy thai, thai lưu ở trên.
Nếu lao động nữ nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì cũng được nhận trợ cấp một lần, với số tiền bằng 2 lần mức lương cơ sở.
Tiền thai sản cho chồng
Vợ sinh con, chồng có chế độ thai sản không? Câu trả lời là có. Chế độ thai sản cho chồng được tính bằng số ngày nghỉ sau khi vợ sinh. Trong vòng 30 ngày kể từ ngày vợ sinh con, chồng nên báo cáo với cơ sở làm việc, nộp đủ giấy tờ để được hưởng chế độ của BHXH, nếu quá 30 ngày sau khi vợ sinh mà chồng không làm các thao tác trên thì coi như tự từ bỏ quyền lợi và không có quyền lợi thay thế nào nữa.
Nếu vợ sinh một con và sinh thường thì chồng được nghỉ 5 ngày, nếu vợ sinh đôi thì chồng được nghỉ 10 ngày, kể từ con thứ 3 thì mỗi con được nghỉ thêm 3 ngày. Nếu vợ sinh một con mà sinh non dưới 32 tuần hoặc phải làm phẫu thuật thì chồng được nghỉ 7 ngày, nếu sinh đôi và phải làm phẫu thuật thì chồng được nghỉ 14 ngày. Mức lương một ngày nghỉ của chồng được BHXH chi trả được tính bằng mức lương bình quân tháng đóng BHXH chia cho 24.

Trường hợp vợ sinh con mà chỉ có chồng tham gia BHXH thì chồng được nhận trợ cấp thai sản một lần. Mức tiền nhận trợ cấp bằng 2 lần mức lương cơ sở.
Nếu hai vợ chồng nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi mà chỉ có chồng tham gia BHXH thì chồng cũng nhận được trợ cấp 1 lần, số tiền cũng là 2 lần mức lương cơ sở.
Chồng thực hiện thủ thuật triệt sản thì cũng được chế độ nghỉ 15 ngày như vợ.
Những thắc mắc về tiền thai sản
Tiền thai sản chuyển vào tài khoản nào? Nhận như thế nào?
Tiền thai sản có thể được chuyển vào tài khoản cá nhân của người lao động nếu người lao động có đăng ký tài khoản nhận tiền với BHXH. Thông thường, chúng ta nhận tiền thai sản thông qua chủ cơ sở lao động vì đó cũng là người trực tiếp làm việc với cơ quan BHXH. Nhận tiền thông qua chủ cơ sở lao động thì BHXH không cần xác minh tài khoản cá nhân để nhận tiền thai sản.
Tiền thai sản khi nào được nhận?
Nếu có bất kỳ vấn đề nào với thai sản như các trường hợp kể trên, khi đi thăm khám tại các cơ sở y tế có thẩm quyền thì bạn nên giữ lại giấy tờ được đóng dấu. Đó có thể là giấy ra viện, giấy chứng thực hưởng chế độ BHXH, giấy chứng sinh. Hãy nộp các giấy tờ đó cho chủ sử dụng lao động và họ sẽ có trách nhiệm nộp cho cơ quan Bảo hiểm để làm thủ tục cho bạn.
Tối đa là sau 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ chi trả các khoản tiền thai sản cho bạn.
Tiền thai sản có tính thuế thu nhập cá nhân không?
Tiền thai sản không phải là khoản thu nhập mà bạn tự tạo ra. Nó được tính là khoản trợ cấp của một cơ quan Nhà Nước nên tất nhiên là không chịu thuế thu nhập cá nhân. Người lao động yên tâm là không bị hao hụt tiền thai sản do phải đóng thuế.
Không dùng thẻ Bảo hiểm y tế khi sinh con thì có được tiền thai sản không?
Vì quyền lợi của Bảo hiểm y tế đi liền với khoản đóng BHXH hàng tháng của người lao động nên nhiều người nghĩ rằng đi sinh con phải dùng thẻ Bảo hiểm y tế thì mới được chi trả tiền thai sản BHXH. Nhưng thực tế không phải vậy. Cho dù người lao động sinh con hoàn toàn bằng dịch vụ y tế tự chi trả thì vẫn nhận được tiền thai sản như bình thường.
Thực tế ở những thành phố có điều kiện kinh tế tốt như Hà Nội, mức thu nhập của người lao động khá hơn, không có nhiều người bó buộc với những dịch vụ y tế công như Bảo hiểm y tế. Bởi mức thu nhập cao đòi hỏi sự tận hưởng dịch vụ cũng cao hơn. Có nhiều phụ nữ đã tự tin lựa chọn sinh con bằng dịch vụ. Vì thế nhiều bà mẹ đã lựa chọn sinh ở Hồng Ngọc, được tận hưởng dịch vụ như đi nghỉ dưỡng, mà vẫn nhận đầy đủ tiền thai sản.
Các mẹ có thể tham khảo gói sinh con trọn gói của Bệnh viện Hồng Ngọc tại đây

Tất cả những thông tin về cách tính tiền thai sản mới nhất 2021 được lấy từ nguồn tin của Bảo hiểm xã hội. Cách tính tiền thai sản mới thể hiện được tính nhân văn khi đảm bảo quyền lợi cho cả lao động nữ và nam. Các gia đình hãy yên tâm lĩnh tiền thai sản đúng luật và có kế hoạch chi tiêu hợp lý.