Trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ ảnh hưởng đến hoạt động của hệ tiêu hóa, về lâu dài sẽ khiến trẻ bị còi xương, kém hấp thu, suy dinh dưỡng… Vậy cha mẹ cần xử trí ra sao khi trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng?
Dấu hiệu trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng
– Trẻ giảm tần suất đi đại tiện: Trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng sẽ có tần suất đi ngoài ít hơn 3 lần/tuần. Do đó, cha mẹ cần chú ý để nhận biết.
– Thời gian đi đại tiện lâu hơn bình thường: Bé 3 tuổi bị táo bón nặng sẽ có thời gian đi ngoài lâu hơn bình thường, phân của trẻ khô, cứng, gây khó khăn cho việc rặn.
– Tâm lý sợ khi đi ngoài: Trẻ bị táo bón thường sợ sệt mỗi khi đi, toát mồ hôi, căng thẳng, đỏ mặt…
– Tính chất phân thay đổi: Phân của trẻ khô, cứng, lổn nhổn như phân dê, vón cục, dạng xúc xích có vết rạn. Bên cạnh đó, trẻ bị táo bón phân có thể kèm máu, do hậu môn bị nứt kẽ và rách trong quá trình rặn.

-Trẻ bị táo bón trẻ sẽ có dấu hiệu mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn, lười ăn…
Nếu trẻ có các dẩu hiệu trên thì cha mẹ cần có biện pháp điều trị kịp thời, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
Nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng. Cụ thể:
Chế độ dinh dưỡng không hợp lý
Chế độ ăn uống ít chất xơ sẽ khiến trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng. Chế độ ăn của trẻ lúc này tập trung tiêu thụ quá nhiều đạm động vật, nhưng lại ít rau củ trái cây. Trẻ ăn nhiều đồ chiên, rán, thức ăn nhanh, bánh kẹo, các loại nước ngọt có gas – đây lại là những món ăn khiến hệ tiêu hóa hoạt động khó khăn hơn, dẫn đến đầy hơi, chướng bụng và táo bón.
Bên cạnh đó, nếu trẻ uống ít nước sẽ làm cho thức ăn bị lưu lại ở đại tràng lâu hơn, phân cứng hơn, gây ra táo bón.
Trẻ 3 tuổi uống sữa công thức pha không đúng tỷ lệ có thể gây tình trạng táo bón. Ngoài ra, sữa công thức với thành phần nhiều đạm, canxi, sắt, phospho cũng là nguyên nhân khiến trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng.

Trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng do mắc bệnh lý
– Trẻ bị phình đại tràng bẩm sinh làm mất hoạt động co bóp cho một đoạn đại tràng dẫn tới ứ đọng phân trong lòng đại tràng sẽ khiến trẻ bị táo bón.
– Nứt kẽ hậu môn làm trẻ đau và phải rặn nhiều mỗi khi đi đại tiện, lâu ngày gây mất phản xạ, càng làm cho táo bón nặng hơn.
Bên cạnh đó, do tác dụng phụ của một số thuốc như thuốc giảm đau, thuốc ho, thuốc chống động kinh, thuốc chống co giật cũng gây nên táo bón ở trẻ.
Táo bón do tâm lý, phản xạ ức chế
– Do tâm lý: Trẻ nhịn đại tiện vì mải chơi hoặc sợ hãi vì có cảm giác không riêng tư khi đi đại tiện ở trường học, nơi công cộng.
– Ít vận động cũng là nguyên nhân làm cho trẻ 3 tuổi bị táo bón. Trẻ thường ngồi một chỗ để chơi game, xem tivi khiến cơ thành bụng và nhu động ruột điều hòa kém. Đặc biệt, vào mùa lạnh táo bón sẽ càng trầm trọng hơn vì trẻ lười vận động.
Biện pháp cải thiện tình trạng trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng
Để cải thiện tình trạng trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng và kéo dài, cha mẹ cần kết hợp nhiều biện pháp sau đây:
Cho trẻ uống nhiều nước
Trẻ bị táo bón cần được bổ sung nhiều nước để phân mềm hơn, giúp trẻ dễ đi ngoài.
Tăng cường bổ sung các thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa
Song song với việc uống đủ nước, cha mẹ cần bổ sung các loại thực phẩm tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ như:
– Ngũ cốc nguyên hạt: Ngũ cốc nguyên hạt với thành phần tinh bột và đạm cao vừa bổ sung dinh dưỡng cho trẻ vừa giúp hỗ trợ đường tiêu hóa hoạt động khỏe mạnh.
– Rau xanh: Các loại rau xanh như rau cải, rau ngót, rau mồng tơi, rau đay, súp lơ là nguồn chất xơ dồi dào giúp cải thiện tình trạng táo bón ở trẻ 3 tuổi hiệu quả.
– Trái cây như cam, bưởi, đu đủ, chuối, bơ, … chứa rất nhiều chất xơ, vitamin và khoáng chất sẽ giúp hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động ổn định. Bên cạnh đó, mẹ có thể bổ sung sữa chua với nguồn lợi khuẩn dồi dào cho đường ruột, sẽ giúp cải thiện tình trạng trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng.

Tăng cường trái cây cho trẻ có thể giúp giảm táo bón hiệu quả
Cho trẻ tăng cường vận động
Cho trẻ tham gia các hoạt động thể thao, tập các bài tập thể dục nhất là phần cơ bụng sẽ giúp cho ruột co bóp tốt hơn, việc đi đại tiện của trẻ cũng dễ dàng hơn.
Tạo thói quen đại tiện đúng giờ
Cha mẹ nên hình thành cho trẻ thói quen đại tiện đúng giờ, tốt nhất là buổi sáng bởi nhu động ruột lúc này đang tăng hoạt động. Thời gian đi đại tiện khoảng 3 – 5 phút.
Tắm nước ấm cho trẻ 3 tuổi bị táo bón
Trẻ 3 tuổi bị táo bón kéo dài có thể tắm hoặc ngâm mông trong nước ấm giúp phân mềm hơn, giãn cơ vòng hậu môn, kích thích trẻ đi đại tiện nhanh chóng. Tuy nhiên không nên để trẻ tắm hoặc ngâm nước quá lâu.
Massage bụng cho trẻ nhẹ nhàng
Các động tác massage bụng sẽ giúp điều hòa nhu động ruột, hạn chế tình trạng phân bị tồn đọng trong đường ruột quá lâu. Cha mẹ có thể xoa bụng trẻ theo chiều kim đồng hồ từ 3 – 4 lần một ngày, mỗi lần khoảng 5 phút, vào giữa 2 bữa ăn, có thể ấn sâu vào phần bụng phía dưới bên trái.

Massage bụng cho trẻ mỗi ngày sẽ giúp điều hòa nhu động ruột, làm giảm táo bón
Sử dụng men vi sinh cho trẻ 3 tuổi bị táo bón
Men vi sinh có chứa rất nhiều lợi khuẩn giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ hoạt động hiệu quả. Các bào tử lợi khuẩn sẽ đào thải các vi khuẩn có hại, cân bằng hệ vi sinh đường ruột, tăng nồng độ enzyme giúp việc tiêu hóa thức ăn triệt để hơn. Đồng thời, lợi khuẩn bám vào phân làm tăng độ nhớt khiến phân xốp, mềm, ruột cũng tăng nhu động nên dễ đẩy phân ra ngoài.
Một số lưu ý khi điều trị táo bón cho trẻ 3 tuổi
Khi điều trị táo bón cho trẻ 3 tuổi, các bậc phụ huynh cần phải lưu ý một số vấn đề quan trọng sau đây:
– Khi bé đang bị táo bón cần nên ăn thịt đỏ, socola, các loại nước uống có gas… vì các loại thực phẩm này sẽ làm cho tình trạng táo bón của trẻ trở nên nghiêm trọng hơn.
– Không được lạm dụng thụt tháo để giải quyết tình trạng táo bón của trẻ vì có thể gây giãn đại tràng sigma và trực tràng, làm trẻ mất phản xạ đại tiện tự nhiên và hình thành thói quen nếu không thụt tháo sẽ không tự đi đại tiện được.
– Không tự ý sử dụng thuốc nhuận tràng cho trẻ bị táo bón khi chưa có sự đồng ý của bác sĩ.
– Nếu trẻ có các dấu hiệu sau cha mẹ cần đứa đến bệnh viện: tình trạng táo bón kéo dài hơn một tuần mà không cải thiện với việc thay đổi chế độ ăn uống cũng như sinh hoạt; táo bón khiến trẻ ăn kém, gầy sút, nôn ói, suy dinh dưỡng…
Trên đây là những thông tin cần thiết trong việc xử trí khi trẻ 3 tuổi bị táo bón nặng, hy vọng cha mẹ sẽ có thêm kiến thức hữu ích giúp con vượt qua tình trạng khó chịu này nếu trẻ không may mắc phải.