Trẻ nhỏ là đối tượng rất dễ mắc bệnh chân tay miệng. Nguyên nhân dẫn đến bệnh chân tay miệng là gì và phòng tránh bệnh lý này như thế nào là vấn đề mà các bậc phụ huynh rất quan tâm.
Chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, gây ra bởi lây nhiễm virus. Biểu hiện đặc trưng của bệnh là sốt, đau họng, xuất hiện phỏng nước tập trung nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân, bên trong miệng, vùng mông.
Hầu hết các ca bệnh chân tay miệng đều ở thể nhẹ, có thể tự khỏi khi được chăm sóc tốt. Tuy nhiên cũng có nhiều trường hợp bệnh tiến triển nhanh và gây ra các biến chứng nguy hiểm, thậm chí cấp độ tăng nhanh chỉ trong nửa ngày, gây suy hô hấp có thể đe dọa đến tính mạng trẻ nếu không được xử trí kịp thời.
Nguyên nhân dẫn đến bệnh chân tay miệng
Nguyên nhân gây bệnh chân tay miệng là do nhiễm virus đường ruột. Trong đó, thủ phạm gây bệnh chính là virus Coxsackievirus A16 và Enterovirus 71.
Người bệnh bị chân tay miệng do Coxsackievirus A16 thường ở thể nhẹ, các triệu chứng nhẹ nhàng và ít biến chứng, có thể tự khỏi. Còn đối với những ca bệnh nhiễm bệnh do Enterovirus 71 gây ra thì triệu chứng bệnh nặng nề hơn, có thể tiến triển nhanh gây biến chứng nguy hiểm.

Cả hai loại virus này sống trong đường tiêu hóa và lây truyền dễ dàng từ người sang người qua việc tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết mũi, nước bọt hoặc phân của người bệnh. Ngoài ra, nếu cầm nắm, tiếp xúc với đồ vật có chứa virus rồi đưa tay lên mũi, miệng cũng làm lây nhiễm virus gây bệnh.
Virus gây bệnh chân tay miệng có hình cầu, đường kính khoảng 27 – 30nm. Sau khi xâm nhập vào cơ thể con người, chúng trú ngụ tại niêm mạc má, niêm mạc ruột rồi di chuyển đến các hạch bạch huyết xung quanh. Sau đó, chúng xâm nhập vào máu, gây nhiễm trùng máu và cuối cùng sẽ dừng tại niêm mạc miệng và da, gây nên bệnh chân tay miệng.
Những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh
Ai cũng có thể bị bệnh tay chân miệng. Tuy nhiên nếu có những yếu tố sau thì nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn những người khác.
Độ tuổi: Bệnh tay chân miệng thường xảy ra ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Thường xuyên đến nơi đông người: Chân tay miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính, có thể lây lan từ người sang người. Vì thế, nếu thường xuyên đến nơi tập trung đông người thì nguy cơ mắc bệnh cũng cao hơn những người khác.
Vấn đề vệ sinh cá nhân: Những người ít khi vệ sinh cá nhân sạch sẽ làm tăng cơ hội cho virus xâm nhập vào cơ thể và gây bệnh. Đây là nhóm đối tượng dễ mắc bệnh chân tay miệng.
Biểu hiện bệnh chân tay miệng ở trẻ
Tùy vào mức độ cũng như các giai đoạn bệnh mà mỗi bé sẽ có những biểu hiện khác nhau. Thông thường, khi bị tay chân miệng, trẻ sẽ có những triệu chứng sau:

Giai đoạn ủ bệnh: Diễn ra trong khoảng 3 – 7 từ khi virus xâm nhập vào cơ thể. Lúc này, trẻ chưa xuất hiện các biểu hiện của bệnh.
Giai đoạn khởi phát: Từ 1 – 2 ngày sau khi ủ bệnh, cơ thể bé sẽ xuất hiện một vài triệu chứng như sốt nhẹ, đau họng, mệt mỏi, biếng ăn, có thể bị tiêu chảy.
Giai đoạn toàn phát: Đây là giai đoạn bệnh phát triển mạnh mẽ nhất, có thể kéo dài 3 – 10 ngày với các triệu chứng điển hình của bệnh chân tay miệng như:
- Sốt, có thể sốt nhẹ hoặc sốt cao tùy bé.
- Nôn mửa.
- Loét miệng: Trong miệng bé xuất hiện các vết loét đỏ hoặc nốt phỏng nước, có đường kính 2-3mm. Những nốt phỏng này xuất hiện ở niêm mạc má, trên bề mặt lưỡi, xuất hiện ở lợi… khiến bé đau đớn khi ăn, khi bú nên trẻ có xu hướng bỏ bú, bỏ ăn. Tình trạng này cũng khiến trẻ tăng tiết nước bọt nhiều hơn, dẫn đến chảy dãi.
- Nổi phát ban dạng phỏng nước: Các nốt phát ban xuất hiện nhiều ở lòng bàn tay, bàn chân, ở mông, đầu gối…Những nốt phỏng này tổn tại trong thời gian ngắn, dưới 7 ngày, sau đó sẽ khô lại, ít khi bị loét hay bội nhiễm.
- Trường hợp trẻ sốt cao, tiêu chảy nhiều thì có thể bệnh đã biến chứng, ảnh hưởng đến thần kinh, hô hấp, tim mạch.
Giai đoạn lui bệnh: Sau giai đoạn toàn phát, các vết loét trong miệng và các nốt phỏng nước khắp cơ thể sẽ khô dần và hồi phục. Thông thường, sau khoảng 3 – 5 ngày, trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn nếu như không xảy ra biến chứng.
Biện pháp phòng ngừa bệnh chân tay miệng cho trẻ
Bệnh chân tay miệng có thể được phòng ngừa hiệu quả nếu ba mẹ biết cách chăm sóc tốt cho bé. Hãy áp dụng những biện pháp sau để ngăn ngừa bệnh cho trẻ.

- Vệ sinh cá nhân cho bé sạch sẽ, tắm rửa hằng ngày.
- Rửa tay cho bé thường xuyên bằng xà phòng, nhất là trước khi bé ăn và sau khi con đi vệ sinh.
- Khi chế biến đồ ăn cho trẻ, ba mẹ cần rửa tay sạch sẽ trước.
- Nếu trẻ còn nhỏ, trước khi bồng bế hay tiếp xúc gần với trẻ, ba mẹ nên rửa tay bằng xà phòng.
- Không nhai cơm, mớm thức ăn cho bé để tránh lây nhiễm virus, vi khuẩn từ khoang miệng.
- Vệ sinh phòng ngủ, đồ dùng, đồ chơi của bé thường xuyên để tránh bị lây nhiễm virus bám trên bề mặt đồ dùng.
- Nếu nghi ngờ mắc cúm hay các bệnh truyền nhiễm khác, người lớn không nên tiếp xúc gần với trẻ. Trong trường hợp trẻ sơ sinh nhỏ cần được chăm sóc thì hãy đeo khẩu trang khi tiếp xúc với bé.
- Hạn chế cho trẻ đến những nơi tập trung đông người, nhất là vào thời điểm đang có dịch tay chân miệng. Khi cho bé ra ngoài, hãy đeo khẩu trang cho con.
Như vậy, qua bài viết này ba mẹ đã biết được những nguyên nhân dẫn đến bệnh chân tay miệng ở trẻ cũng như cách phòng tránh bệnh cho con. Hy vọng nó sẽ giúp ích cho ba mẹ để có thể chăm sóc bé tốt nhất, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh cho bé để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và sự phát triển của trẻ.